SEO (hay còn gọi là: tối ưu công cụ tìm kiếm) là tối ưu website của bạn để được xếp hạng cao cho từ khóa nào đó trên các bộ máy tìm kiếm. Nhiều người còn đang chưa hiểu rõ SEO là gì, SEO làm công việc gì, mã nguồn nào tối ưu cho SEO? Bài viết này Huy Hòa xin tổng hợp những kiến thức cơ bản nhất về SEO cho người mới bắt đầu.
Table of Contents
SEO là viết tắt của từ gì?
SEO là viết tắt của Search Engine Optimization – tạm dịch là tối ưu hóa cho bộ máy tìm kiếm. Thực thể được tối ưu ở đây là các website, các bài viết và các sản phẩm trên website đó. Như chúng ta đã biết, với sự phát triển của công nghệ và internet thì các website, các mạng xã hội hay các trang thương mại điện tử lần lượt ra đời và phát triển. Khi một người cần tìm thông tin gì, trước đây người ta đến thư viện, hoặc hỏi các bậc tiền bối. Ngày nay người ta tìm tới các Search Engine như Google, Bing, Yahoo, Yandex, Baidu…
Lúc này Search Engine Optimization là một tập hợp hàng trăm phương pháp tối ưu khác nhau để làm cho bài viết / sản phẩm trên website thân thiện với các Search Engine và được các Search Engine đánh giá cao. Mục đích là được ưu tiên hiển thị khi người dùng tìm kiếm đúng lĩnh vực / sản phẩm / từ khóa mà mình xác định trước.
SEO hoạt động thế nào?
Mục đích của các Search Engine này trước đây và muôn đời về sau cũng sẽ chỉ là tìm ra những bài viết / sản phẩm đáp ứng tốt nhất cho truy vấn tìm của người cần. Tuy nhiên, họ không làm điều này miễn phí, đó là lúc quảng cáo ra đời. Các kết quả quảng cáo thì lại chỉ gần giống với mục đích của người truy vấn. Kết quả Organic (những kết quả tự nhiên mà không có sự can thiệp vào công cụ tìm kiếm để ưu tiên hiển thị) sẽ vẫn đáp ứng tốt nhất truy vấn của người tìm kiếm.
Hiện nay internet có hàng tỉ trang web và mạng xã hội, với hàng tỉ tỉ nội dung trên tất cả các lĩnh vực. Khi bạn nhập vào ô tìm kiếm của bất kỳ công cụ tìm kiếm nào, rồi nhấn enter (Search), nó sẽ tìm trong dữ liệu của nó và dựa vào hàng trăm tiêu chí do bộ phận lập trình đưa ra để so sánh xếp hạng nội dung.
Những kết quả nào liên quan nhất sẽ được ưu tiên hiển thị trên đầu trang (tất nhiên vẫn sau quảng cáo). Search Engine Optimization đóng vai trò then chốt trong việc này. Search Engine Optimization sẽ làm nhiệm vụ tối ưu bài viết / sản phẩm của bạn theo xu hướng người tìm kiếm để các Search Engine đánh giá bài viết/ sản phẩm của bạn là tốt, có chất lượng.
Cũng giống như các hệ thống đánh giá của các Search Engine, Search Engine Optimization cũng là một tập hợp hàng trăm giải pháp/ thủ thuật mà bạn cần làm để có thể đưa bài viết/ sản phẩm của mình được ưu tiên hiển thị đầu tiên khi có người tìm kiếm. Trước năm 2015 thì Search Engine Optimization khá dễ với một số bạn. Thời điểm đó, các bạn chỉ cần có backlink (nhất là từ các trang .gov, .edu, .org), traffic (bằng mọi cách) là có thể đã lên top. Tuy nhiên kể từ thời điểm 5/5/2020 thì có thể ngành Search Engine Optimization sẽ bước sang giai đoạn mới.
SEO làm những việc gì?
Như đã nói bên trên, Search Engine Optimization là tập hợp cả trăm phương pháp / thủ thuật để tối ưu bài viết/ sản phẩm của bạn nhằm mục đích làm cho nó thân thiện với các bộ máy tìm kiếm. Mặc dù vậy, để dễ hiểu thì có thể chia ra làm 2 nhánh công việc của 1 người làm Search Engine Optimization
Nhánh 1: On-page Optimization
Những công việc tới tối ưu on-page – tôi ưu trong chính website / bài viết/ sản phẩm trên trang web của bạn. Những công việc này có thể kể tới như:
- Tối ưu các thẻ meta (title, descriptions, keywords, robots…)
- Kiểm tra và sửa lỗi trên toàn bộ website như 404, 500
- Chỉnh sửa file robots.txt cho phù hợp.
- Tạo sitemap
- Tối ưu các liên kết nội bộ
- Tối ưu cấu trúc website (SILOS)
- Kiểm tra, đánh giá, tối ưu tốc độ và trải nghiệm người dùng.
Nhánh 2: Off-page Optimization
Off-page Optimization hay tối ưu Off-page chính là những việc tối ưu trên các website … khác để đem lại lợi ích cho website của bạn. Một số việc hay thuật ngữ trong việc tối ưu Off-page như:
- Backlink hay gọi theo các bạn làm SEO hay gọi là “đi link”
- Guest Post (nó cũng là một dạng đi link nhưng ở tầm cao hơn)
- Tối ưu trên các mạng xã hội (Social Media)
- Tối ưu trên các website báo chí (Press Releases)
- Tối ưu trên các hệ thống trang vàng / Directory
- Forums/ Blogs comment, Posting
- RSS Feed
- Social Bôkmarking
Quy trình làm việc của một SEOer?
SEOer được hiểu là một người làm nhiệm vụ tối ưu các bài viết/ sản phẩm/ website cho các Search Engine. Đây là một quy trình thường thấy của một bạn SEOer
- Học và hiểu sâu về lĩnh vực sẽ làm SEO
- Phân tích website của mình và của các đối thủ chính (thường sẽ cần xác định từ 10-50 đối thủ tùy số lượng từ khóa)
- Lập kế hoạch SEO và lên danh sách từ khóa cần SEO.
- Tối ưu cấu trúc website hợp lý với mục đích SEO và những gì có trên website.
- Xây dựng kế hoạch và lên danh sách các bài viết cần để thực hiện kế hoạch SEO.
- Xây dựng backlink, hay còn gọi là đi link. Tùy thuộc vào kinh phí và lĩnh vực sẽ đảm bảo những links chất lượng nhất để tăng DA (DS, DR)
- Lên báo cáo vị trí từ khóa hàng tuần, tháng. Kiểm tra và khắc phục lỗi + tối ưu lại nếu cần
- Lặp lại quy trình như trên để đảm bảo các từ khóa lên top cao nhất có thể và phù hợp với mục đích, mục tiêu đề ra.
SEO có lợi ích gì trong Marketing?
Nếu bạn còn đắn đo xem SEO có lợi ích gì trong Marketing không thì chắc thôi, đừng tìm hiểu nữa. Lợi ích của SEO là không phải bàn cãi. Có thể liệt kê một số lợi ích cơ bản của SEO như sau:
- 1, Tăng lượt truy cập tự nhiên tới website của bạn
- 2, Lan tỏa và tăng độ phủ nhận diện thương hiệu của bạn.
- 3, Giảm chi phí marketing (kết quả từ cái số 1 và 2 bên trên)
- 4, Giảm chi phí CPC khi quảng cáo Adwords.
- 5. Tăng doanh thu với việc bán được nhiều sản phẩm hơn
Và còn nhiều lợi ích khác nữa.
Tuy nhiên, nếu bạn xác định lấy SEO để bán sản phẩm và không sử dụng quảng cáo hay Marketing khác thì lại là sai lầm cực lớn. Xin nói rõ luôn là SEO không thể đảm bảo bạn bán được nhiều sản phẩm. Tùy vào mặt hàng bạn kinh doanh, SEO có thể đảm bảo cho bạn từ 20-90% doanh thu bán sản phẩm của bạn. Có những mặt hàng bạn hoàn toàn có thể dùng SEO để bán sản phẩm.
Tuy nhiên với đa số ngành nghề kinh doanh khác, SEO vẫn đem lại khách hàng cho bạn, nhưng nếu cả công ty chỉ dựa vào SEO để mong mang về nguồn thu thì chắc sẽ sập tiệm sớm thôi.
SEO với doanh nghiệp
Việc kiếm lượng khách hàng truy cập là điều cần thiết, một lượng khách hàng lớn sẽ đem lại nhiều lợi ích như mục SEO có lợi ích gì đã phân tích bên trên. Điều này dẫn đến một thực tế nhiều công ty đang cạnh tranh tối ưu website của họ để được lên vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng của các Search Engine. Một số ngành nghề đặc trưng mà cạnh tranh trực tuyến đã lên tới đỉnh điểm như: Du lịch, bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp…
Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp làm cho ngành SEO cũng nóng và trở thành một lĩnh vực cạnh tranh không kém so với các lĩnh vực hot bên trên.
Trước đây nhiều doanh nghiệp không chú trọng tới SEO. Search Engine Optimization đa số tập trung ở các doanh nghiệp tư nhân nhạy bén, hoặc các công ty nhỏ. Nhưng thời thế đã thay đổi khi mà internet ngày càng lên ngôi. Các doanh nghiệp thương mại điện tử cũng phải chạy theo xu hướng này.
Không phân biệt doanh nghiệp nhỏ hay to, nhà nước hay tư nhân, nếu bạn muốn có chỗ đứng trên internet, bạn phải hoặc là quảng cáo, hoặc là tìm đến Search Engine Optimization. Đó gần như là 2 lựa chọn bắt buộc nếu muốn doanh nghiệp tồn tại, nhất là trong thời đại quốc tế hóa hiện nay.
Mã nguồn nào thì tối ưu nhất cho SEO?
Dựa vào kinh nghiệm bản thân mình thì xin nói thẳng là chả có mã nguồn nào tối ưu nhất cho SEO cả. Có thể các bạn chưa biết, có hàng trăm, hàng ngàn mã nguồn xây dựng website. Tùy vào mục đích, tiêu chí và chức năng thì có những mã nguồn phù hợp. Từ miễn phí tới mất tiền. Từ rẻ tới đắt, muôn hình vạn trạng. Có thể kể đến một số mã nguồn phổ biến được sử dụng hiện nay như: WordPress, Joomla, Mambo, Drupal, Magento… Vietnam mình cũng có mã nguồn NukeViet phát triển khá lâu rồi và hiện tại thì mình thấy vẫn … tồn tại.
Nhiều bạn bảo WordPress tối ưu nhất cho SEO. Thế thì nhầm to rồi, vồn dĩ các mã nguồn đều mặc định có các thẻ meta hỗ trợ để tối ưu cho SEO. Với lại Search Engine Optimization như nói bên trên là hàng loạt phương pháp, thủ thuật chứ ko chỉ phụ thuộc vào mã nguồn. Người ta nói WordPress tối ưu nhất cho SEO có thể chỉ vì nó phổ biến nhất và có nhiều Plugins hỗ trợ tối ưu cho Search Engine Optimization.
Làm SEO thì có cần quảng cáo không?
Có, vẫn rất cần. Nếu bạn chỉ tối ưu website của bạn thôi thì không thể có đơn hàng nếu bạn muốn bán hàng. Nói không thể cũng không đúng, nhưng số lượng nó sẽ rất lẻ tẻ, nhất là ở những ngành nghề mà mức độ cạnh tranh cao chót vót. Tuy nhiên nếu làm tốt việc tối ưu, để độ uy tín của website lên cao thì việc quảng cáo với bạn lại dễ thở hơn rất nhiều.
Mình ví dụ cụ thể một trường hợp thế này. Với từ khóa vietnam travel, một từ khóa cực kỳ “hot” trong lĩnh vực du lịch inbound. Giá trung bình cho một nhấn chuột (CPC) hiện tại đang là từ 4-15 đô la mỹ trên Google Adwords. Tức là từ 80.000vnđ tới khoảng 350.000 vnđ 1 cái nhấn chuột.
Xin lưu ý là giá này là giá trung bình. Tùy vào website, tùy vào thời điểm, tùy vào thị trường, tùy vào quốc gia mà giá có thể rẻ hơn rất nhiều hoặc đắt hơn. Như thế bạn thấy mức độ cạnh tranh khốc liệt như nào rồi nhỉ.
Vậy SEO lúc này đóng vài trò gì? Chúc mừng bạn nếu đã tối ưu cho website và làm tốt công việc đó. Khi mà website của bạn đã có “số má” trong lĩnh vực này thì thay vì phải trả 15$ cho 1 click, bạn có thể sẽ chỉ phải chi ra khoảng 0,2$ (chưa đến 1$) cho 1 click. Giờ thì bạn thấy lợi ích của SEO chưa?
Trên đây là những kiến thức cơ bản nhất về SEO – Search Engine Optimization mà mình nghĩ sẽ cần cho người mới bắt đầu. Nó giải đáp hầu hết các thắc mắc, những câu hỏi thường gặp cho người mới bắt đầu làm quen với SEO. Nếu bạn vẫn còn những thắc mắc thì hãy comment để hỏi, mình sẽ giải đáp trong tầm kiến thức của mình bằng phương pháp đơn giản dễ hiểu nhất có thể.